Công nghệ bê tông cường độ siêu cao UHPC

Ngày 16/1, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Công nghệ bê tông cường độ siêu cao UHPC”. Tham dự Hội thảo có GS.Ngô Đức Tuấn – Trường Đại học Melbourne Úc, đại diện trường Đại học Xây dựng, cùng các giảng viên và nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh (NCS) của trường.

Trong thời gian 5 năm trở lại đây, trường Đại học Melbourne khuyến khích các NCS viết luận văn bằng bài báo. Nếu NCS có từ 3 bài báo đăng ở các Tạp chí trở lên thì việc bảo vệ luận án sẽ dễ dàng hơn nhiều và yêu cầu NCS cần chủ động trong việc đề xuất đề tài, triển khai và thực hiện các bài báo này. Các đề tài mà NCS lựa chọn cần xuất phát từ nhu cầu thực tế. Ngoài ra, đề tài mà trường đưa ra đều xuất phát từ các dự án đã triển khai hoặc những bài toán thực tế. Ví dụ: Tính toán vụ nổ ảnh hưởng đến ga tàu điện ngầm ở TP. Sydney Úc, hoặc tính toán các toà nhà chịu được sức nổ dây chuyền…

Các ấn phẩm được công bố trên các tạp chí uy tín sẽ được hưởng các mức hỗ trợ khác nhau cho tác giả và đồng tác giả. Các tạp chí uy tín như Tạp chí khoa học thuộc Top 5% tạp chí hàng đầu được phân loại theo nhóm lĩnh vực, ngành/ chuyên ngành của Scimago, Tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu của ISI hoặc Scopus…

GS.Ngô Đức Tuấn đã trình bày chi tiết việc làm luận án tiến sĩ tại UOM. Mỗi NCS cần tìm kiếm các chủ đề mới, phù hợp và có sức ảnh hưởng. Các đề tài được đăng trên báo, tạp chí uy tín yêu cầu tiêu đề phải rõ ràng, ngắn gọn và tránh những lỗi cơ bản trong bài viết. Và các bài nghiên cứu cần có sự hỗ trợ, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Ngoài ra, GS.Ngô Đức Tuấn còn trình bày về nghiên cứu của UOM về bê tông cường độ siêu cao UHPC và bê tông Geopolymer GPC tại Úc. Ông cho biết các công trình nghiên cứu phải đảm bảo phối hợp 3 yếu tố: An toàn, an ninh và thân thiện với môi trường để tối ưu hoá hệ thống. Ví dụ: Nghiên cứu liên kết vật liệu để phân tán năng lượng, phân tích được các kết cấu phức tạp phù hợp với thiết kế của các kiến trúc sư, với những kiểu mẫu mới, phi truyền thông; các kết cấu đặc biệt như ở Hà Lan, Anh. Những kết cấu này sử dụng các vật liệu nhẹ, hoặc có hình dáng độc đáo có sự so sánh giữa các vật liệu: kính, composit, nhôm, thép để chọn ra vật liệu phù hợp, phục vụ sản xuất các sản phẩm có bề mặt nhẵn, trọng lượng nhẹ, có sức chịu lực, chịu lửa tốt, tiết kiệm năng lượng và có độ bền cao.

Hội thảo có sự tương tác giữa người thuyết trình và người tham gia đã tạo nên bầu không khí sôi nổi và nhiệt huyết. Những câu hỏi được đặt ra của các thành viên tham gia đã được trả lời thỏa đáng. Nhìn chung, đây là hoạt động rất đáng khích lệ.

Huyền Trang/BXD
Trích nguồn http://kientrucvietnam.org.vn