Ứng dụng HPC trong xây dựng giao thông

Bê tông tính năng cao hay bê tông hiệu năng cao – HPC (High Performance Concrete) được hiểu là 1 loại bê tông xi măng với các đặc tính cơ bản như: cường độ chịu nén cao, chịu kéo khi uốn rất cao, mô đun đàn hồi cao, bền vững- ổn định dưới các tác động xâm thực bất lợi của môi trường… và nhiều đặc tính khác, rất hiệu ích trong xây dựng hạ tầng giao thông đô thị.
Theo nhận định của các chuyên gia, công nghệ HPC được đặt trên cơ sở điều khiển sự hình thành cấu trúc của bê tông trong tất cả các giai đoạn sản xuất ra nó. HPC sử dụng các loại xi măng có phẩm chất cao hay các loại chất kết dính tổng hợp, các loại phụ gia biến tính, các loại cốt sợi. Các loại HPC cũng được áp dụng trong xây dựng hầm, cầu đường bộ. Sử dụng HPC trong xây dựng cầu cho phép làm cho kết cấu thanh mảnh hơn, giảm được tĩnh tải, vượt được nhịp lớn hơn và rút ngắn được thời gian thi công.

Thạc sỹ Nguyễn Biên Cương – Khoa Xây dựng cầu đường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng – người nghiên cứu về ứng dụng này, tại hội thảo tiến bộ công nghệ trong phát triển hạ tầng giao thông mới đây tại thành phố Đà Nẵng cho biết, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị sử dụng nhiều cấu kiện chịu uốn, có khẩu độ nhỏ.

   Các cấu kiện dạng này gồm: bản nắp cống tấm đan đậy mương rãnh thoát nước dọc, tấm đan hố thu nước, tấm đan giếng thăm, dầm đỡ cửa thu nước, tấm chắn rác cửa thu nước mưa, bó vỉa, bê tông gạch tự chèn… Việc nghiên cứu ứng dụng các loại HPC có các tính năng cao phù hợp để tạo ra các sản phẩm mới từ HPC, thay thế các loại vật liệu xây dựng truyền thống, có chất lượng cao, bền vững hơn dưới tác động của môi trường, mỹ quan và có giá cả hợp lý, là một việc làm cần thiết.
   Theo phân tích, ứng dụng HPC làm tấm chắn rác cửa thu nước sẽ có giá thành rẻ hơn thép hoặc gang rất nhiều. Cùng khả năng chịu lực, tấm chắn rác HPC sản xuất đại trà tại Đà Nẵng giá chỉ khoảng 40- 50% so với cấu kiện làm bằng gang có cùng khả năng chịu lực; 20- 25% so với cấu kiện làm bằng thép mạ kẽm; 50-60% so với cấu kiện làm bằng composite. Mặt khác, do sử dụng vật liệu nền là chất kết dính vô cơ nên khắc phục được nhược điểm của vật liệu composite. Các loại vật liệu sản xuất HPC đều là các loại vật liệu có sẵn trong nước, hầu như không phải nhập khẩu.
   Với tấm đan chế tạo bằng HPC là cấu kiện có trọng lượng chỉ bằng 30-50% tấm đan bê tông cốt thép, bền vững, không bị ăn mòn, giá thành chỉ khoảng 60-70% so với tấm đan bê tông cốt thép thông thường.
   Ứng dụng HPC làm bê tông gạch tự chèn là giải pháp bền vững, thay thế các kết cấu mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng trong xây dựng hạ tầng đô thị với một chi phí hợp lý. Với “công nghệ tự đầm” đã được nghiên cứu và ứng dụng có thể dễ dàng tạo ta các loại gạch tự chèn thoát nước có chất lượng cao, sử dụng thay thế các bề mặt kín nước khác như bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng trên đường phố, quảng trường, vỉa hè… góp phần làm đẹp cho đô thị, lại vừa điều hòa về độ ẩm, nước ngầm.
Theo https://sgtvt.danang.gov.vn